Một trong những thực trạng đáng lo ngại hiện nay đối với giáo dục hệ Đại học là tình trạng sinh viên thiếu kiến thức tiếng Anh cơ bản cũng như chuyên ngành (đối với các trường không chuyên ngữ) đang chiếm tỉ lệ rất cao ở nhiều trường Đại học, Cao đẳng.
![can s1](https://tienganhtaiphi.files.wordpress.com/2016/07/can-s1.jpg?w=474)
Theo thông tin mới đây, có nhiều cuộc hội thảo khoa học về vấn đề đào tạo ngoại ngữ căn bản và chuyên ngành ở các trường Đại học và Cao đẳng đã được thực hiện. Một trong những vấn đề được bàn đến tại các hội nghị là tình trạng dạy và học ngoại ngữ hiện nay của sinh viên – đang trở nên “báo động”. Sinh viên mất nhiều kiến thức về từ vựng, ngữ pháp và kể cả “mất gốc” môn tiếng Anh ngay từ khi còn học cấp 3.
Hiện nay, thực tế để có được một công việc như mong muốn ở tất cả mọi lĩnh vực thì không thể thiếu một trong những điều kiện “tiên quyết” đó là phải có vốn ngoại ngữ – tiếng Anh. Điều này đang góp phần thúc đẩy cho việc dạy và học ngoại ngữ ở các trường Đại học, Cao đẳng trở nên đáng quan tâm hơn. Từ đó, có hướng đổi mới việc soạn sách, giáo trình học, phương pháp giảng dạy và học tập – mà bấy lâu nay vẫn ì ạch.
Tuy vẫn có một nhóm nhỏ các sinh viên giỏi tiếng Anh nhưng phần đông còn lại thì trình độ rất tệ. Đối với những ngành ít tiếp xúc với tiếng Anh, thì tình hình còn tệ hơn. Ví dụ: học viện Báo chí và Tuyên truyền có hai khối là khối lý luận và khối nghiệp vụ, trong đó khối nghiệp vụ (gồm báo chí, quan hệ công chúng, quảng cáo, quan hệ Quốc tế …) là những ngành phải tiếp xúc và sử dụng nhiều đến tiếng Anh. Thế mà kết quả học tập không cao, nhiều sinh viên còn bị thi lại thậm chí học lại. Riêng lớp báo Truyền hình có tới hơn 1/3 (39/92) sinh viên phải thi lại.
Nói về thực trạng này, cô Lê Thị Lan Anh – giảng viên môn tiếng Anh cho biết: “mặc dù sinh viên đầu vào có trình độ tiếng Anh ở những mức khác nhau song tình trạng chung là chất lượng vẫn còn thấp và sinh viên còn lơ là việc học bộ môn này”. Với kết quả môn học tiếng Anh của mình, bạn Đào Thùy Linh lớp báo Truyền hình cho biết: “điểm đầu vào là khối D song kết quả môn này hiện tại của mình cũng không được cao do chương đào tạo, cũng như không có đủ thời gian để trau dồi tất cả các kĩ năng như yêu cầu”. Bên cạnh đó nhiều bạn sinh viên còn cho rằng chất lượng đào tạo nói chung cũng như chất lượng giảng viên nói riêng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu giảng dạy.
![Group of bored pupils in a classroom, during lesson.](https://tienganhtaiphi.files.wordpress.com/2016/07/bored-classroom.jpg?w=474)
Chất lượng thấp không hấp dẫn trong môn tiếng Anh
Như vậy, việc học tiếng Anh của sinh viên đang rất hạn chế, mang tính chất đối phó hơn là để nắm được kiến thức. Mà có thể nêu những nguyên nhân như sau:
Thứ nhất, thời lượng đào tạo tiếng Anh không đủ để. Thực tế cho thấy cả giảng viên và sinh viên không có đủ thời gian để học tập và giảng dạy tiếng Anh theo chuẩn quốc tế. Theo số liệu khảo sát tại 18 trường Đại học ở Việt Nam cho thấy điểm của sinh viên năm nhất khoản 220-245/990 điểm TOEIC, và với mức điểm này sinh viên cần khoảng 360 giờ đào tạo (480 tiết) để đạt được 450-500 điểm TOEIC – mức điểm mà rất nhiều doanh nghiệp đang coi là mức tối thiểu để họ chấp nhận hồ sơ. Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát của Vụ Giáo dục, các trường chỉ có khoảng 225 tiết học tiếng Anh cho sinh viên (theo báo Tuổi trẻ). Với lượng thời gian ngắn không đủ để giáo viên, sinh viên giảng dạy và tiếp thu đầy đủ cả 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết hơn nữa số lượng sinh viên trong một lớp quá đông.
![lơp hoc dong](https://tienganhtaiphi.files.wordpress.com/2016/07/lc6a1p-hoc-dong.jpg?w=474)
Tình trạng quá tải trong nhiều trường Đại học & Cao đẳng
Thứ hai, trình độ của sinh viên không đồng đều và có sự khác biệt khá lớn về năng lực tiếng Anh giữa họ. Những lớp học đa trình độ như vậy sẽ gây nhiều khó khăn cho giảng viên, khiến họ khó có thể quán xuyến hết tất cả sinh viên, từ đó gây trở ngại cho cả việc dạy và học. Sinh viên năm nhất khi bước vào trường, có những bạn chưa biết gì về tiếng anh phải được đào tạo cơ bản ngay từ đầu. Bên cạnh đó cũng không ít sinh viên có trình độ tiếng Anh cao cấp, vì vậy nếu họ cũng được đào tạo như những sinh viên sơ cấp sẽ rất lãng phí và mất thời gian.
Thứ ba, tình trạng dạy tiếng Anh ở cấp 3 đã dẫn đến một hệ lụy là khi bước chân vào các trường Đại học – Cao đẳng, nhiều sinh viên gặp trở ngại lớn với môn học này. Chương trình học tiếng Anh ở Phổ thông không hợp lý. Từ lớp 6 đến lớp 12 chủ yếu chỉ được học ngữ pháp và từ vựng, không được rèn luyện các kỹ năng còn lại.
![grammar](https://tienganhtaiphi.files.wordpress.com/2016/07/grammar.jpg)
Học tiếng Anh chỉ chú trọng ngữ pháp là chính ở cấp 3
Thứ tư, việc đào tạo tiếng Anh thường dưới hình thức “cho có” là chính không chú trọng nhiều đến chất lượng. Đối với nhiều ngành chỉ xem nó là một trong những môn phụ mà thôi. Do đó, sinh viên không thể giao tiếp được là một điều hiển nhiên.
Tóm lại, tình trạng học tiếng Anh ở các trường không chuyên ngữ hiện nay đang là điều đáng lo ngại. Việc các sinh viên học ngoại ngữ nhưng không thể sử dụng được đang xảy ra cực kì phổ biến. Do đó dẫn đến tình hình chung là khả năng sử dụng tiếng Anh của sinh viên khi ra trường sẽ rất hạn chế và trong môi trường làm việc như hiện nay, rất khó đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Vì vậy, đứng trước những thực trạng đó nhiều sinh viên đã chọn cho mình việc nâng cao khả năng ngoại ngữ bằng cách: tham gia các lớp ở các trung tâm ngoại ngữ, số khác thì tự học, một số thì đi nước ngoài học … mới có thể đáp ứng được thị trường việc làm hiện nay của đa số các công ty.
Theo Truyenhinhk29
![MICE IELTS dam bao diem 4.5 va 5.5 tai CIA - Copy](https://tienganhtaiphi.files.wordpress.com/2015/08/mice-ielts-dam-bao-diem-4-5-va-5-5-tai-cia-copy.jpg?w=474)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét