1. Quá trình học IELTS
Mình bắt đầu làm quen với bé IELTS từ năm 2 ĐH, đến giờ ra trường cũng 2 năm rồi. Hồi đó mình học lớp cô Captain Bear. Qua lớp của cô, mình được làm chỉ dẫn khá nhiều những tips hữu ích cũng như được cô “kèm cặp” bằng bộ luật hình sự của mình. Chính nhờ sự nghiêm khắc nhưng cũng không kém phần hiệu quả của cô mà mình có được cái nhìn bao quát về IELTS.
Đến năm 3 mình có đi học lại mình cảm thấy lục nghề, nhưng cảm thấy hông còn phù hợp nữa nên quyết định nghỉ hẳn. Cuối năm mình thi thử ở Isee và được 6.5 (trong đó L6, R8, W và S 5.5) nói chung khá là thảm họa và mình cảm nhận được thảm cảnh áp lực phòng thi đè nặng đến thế nào.
Kỳ 2 năm 4, mình tình cờ đọc được 1 thông báo tuyển member cho lớp Free IELTS 1 của VIC. Quả thực đối với những đứa nhà nghèo đẹp trai học không giỏi thích đồ chùa như mình thì đây thực sự là 1 cơ hội vàng. Thế là mình nhanh tay đăng ký, đi thi tuyển và may mắn vượt qua gần 80 thí sinh để lọt vào lớp 3. Qua hơn 2 tháng học tập với các thành viên ưu tú của lớp, được sự chỉ dạy nhiệt tình của các thầy cô ở Global Manpower, Sư phụ Luân, lớp Cử nhân Tài năng Ngữ Văn Anh ĐHKHXHNV, anh Trường Phan và Tú Quỳnh tỷ tỷ suốt ngày lo lắng cho lớp, mình đã tích lũy được kha khá những kĩ năng cũng như biết thêm 1 số tài liệu luyện thi hay. Lớp toàn những người ưu tú không (thi vừa rồi cũng 7 hay 7.5 không đó nhé) nên mình cũng không dám lười. Thêm vào đó là chính sách siết chặt tài chính nên mọi người đều rất nghiêm túc trong việc học (dù về sau có lơi là). Đây cũng là lớp học cuối cùng mình tham dự và nghỉ mất xác từ đây.
2. Kinh nghiệm luyện IELTS siêu cấp tốc độ
Mình đăng ký thi vào giữa tháng 6, với ngày thi dự kiến vào 24/8, với hi vọng có thể chú tâm ôn bài được trong 2 tháng. Tuy nhiên, chứng nào tật nấy, ăn chơi sa đọa, thần game nhập, thêm vào cái lễ tốt nghiệp làm mình dời kì thi về 7/9. Quá đủ lí do cho “Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm”. Trước thi 2 tuần, mình có tập đọc BBC News, nghe BBC Radio và take note từ vựng, collocations cũng như idea tốt lại để học, nhưng cảm thấy thời gian không đủ để phương pháp này đủ hiệu quả. Mình cũng làm lại những test của Cam 5-7 để ôn lại bài.
Trước thi 1 tuần, mình dốc hết sức làm những test của cuốn Cam 8, 9. Ngày 2 test full, sáng 9-12h (trùng giờ thi thật), chiều 3h-6h, tối check. Khoảng thời gian 8-9 AM là thời gian mình đọc Writing 4 IELTS của Collins và Write Right của VIC Retype. Tối mình dành thời gian chấm lại các bài của mình theo các tiêu chí của IELTS.
Các bạn nhớ in giấy làm bài mẫu để tập làm cho quen trước, các tài liệu nếu không mua được bản gốc thì nên in ra để tha hồ viết, quẹt, gạch tơi tả trong đó mà đỡ thấy tiếc.
2a. Listening
Còn có vài ngày nữa thi nên mình cũng chả biết nghe gì khác ngoài mấy đề trong cuốn Cam cả. Trong 4 ngày này mình tập trung vào khuyết điểm lớn nhất của mình là mất tập trung. Mình hay bị chi phối nên lúc nào cũng sợ 1 phút lơ là mà quay tua cả đoạn. Các bạn nên luyện nghe với headphone, có in-ear càng tốt. Một khi đã vục mặt vô tờ giấy làm bài thì không được ngẩng mặt lên nhìn đời nữa!
Bên cạnh đó, mình cũng luyện cách tranh thủ thời gian vàng ngọc. Vừa mở loa lên là các bạn phải cắm cúi đọc ngay Setion 1 và nếu kịp các bạn có thể hoàn tất Section 2 với đủ các keyword cần thiết. Các bạn để ý nghe cái example nhé. Đấy là mốc để bạn quay liền ngay và lập tức lại Section 1 để làm đấy. Gạch yêu cầu đề trước, gạch keyword có chọn lọc, đừng gạch hết mà rối mắt! Sau mỗi Section sẽ có cỡ mươi giây để check thì phải lập tức phóng qua Section kế để đọc và check keyword rồi. Cứ thế các bạn sẽ đọc kịp hết bài và không bị sót. Các bạn cũng nên phát triển kĩ năng vừa nghe vừa đọc, thứ giúp các bạn tiết kiệm khá nhiều thời gian trong lúc chờ băng đọc những khúc không cần thiết. Kỹ năng này đòi hỏi các bạn luyện nhiều và có 1 tinh thần thép nhá!
Với các bạn có chút nền tảng về việc nghe rồi thì mình khuyên các bạn (lời khuyên muôn thuở rồi) là coi các Game Show trên Youtube, nghe BBC Radio, và các academic www.ted.com. Coi Game Show là nhẹ nhất, vui vẻ và relax. BBC Radio thì mình thích Channel 4 vì các chủ đề rộng nên nghe cũng hay. Tuy nhiên 2 hình thức này không có script hay sub. Riêng ted.com có các clip, tuy có thể khó hơn nhưng có clip để các bạn tập quen dần. Trái với những lời khuyên khác, mình mong các bạn luyện nghe 100% từ vì IELTS có những câu lừa rất hiểm, nếu không nghe hết thì không thể chắc mình đúng được.
Bên cạnh đó, các bạn nên tập nghe theo khoảng âm thanh rộng. Đa số các bạn nghe tập trung theo từ được phát ra nên dễ bị loạn dẫn đến trượt dài cả 1 đoạn phía sau. Việc nghe 1 khoảng âm thanh giúp não các bạn có thể ghi lại âm của từ, giúp các bạn có thể hồi tưởng lại những gì não chưa kịp phân tích.
Predicting cũng là một kĩ năng quan trọng. Theo mình thì đối với những bạn có kiến thức xã hội rộng, việc đoán chính xác luôn đáp án là hoàn toàn có thể thay vì chỉ đoán được loại từ cần điền. Để phát triển kĩ năng này, Vocabulary for IELTS của Collins có thể giúp bạn kha khá từ vựng lạ. Các bạn cũng nên dựa vào ngữ cảnh mà đoán ra ý nghĩa của từ cần điền. Điều này giúp các bạn tiết kiệm đáng kể thời gian nghe, chỉ cần check đúng sai thay vì viết từ.
2b. Reading
Những gì mình tập được trong kỹ năng này là việc đọc hiểu thay vì quá chú trọng vào việc đọc nhanh. Trước đây mình cứ nghĩ đọc nhanh là tốt. Nhưng nếu sau khi đọc xong mà chả nhớ gì thì thật là tai hại. Việc bạn đối phó với bài thi chỉ có thể giúp bạn có được điểm số tạm thời. Vả lại nếu đề khó, yêu cầu khả năng suy luận và phân tích thì việc đọc hiểu sẽ phát huy tác dụng. Chính vì vậy, các bạn nên đọc từ khóa cho hiểu đề nói về cái gì đã.
Bước đầu là đọc câu hỏi và gạch từ khóa. Các bạn chỉ nên chú trọng vào từ khóa chính, thường 1 câu chỉ có 1-2 từ cần gạch thôi. Gạch nhiều các bạn sẽ khó nhớ và lúc làm xong câu này cũng phải lật coi lại câu hỏi thôi. Việc chọn từ khóa mình nghĩ là theo kinh nghiệm. Càng đọc nhiều thì mình thấy việc lọc từ của mình hiệu quả hơn nên mình chỉ khuyên các bạn đọc tài liệu tiếng Anh nhiều để cải thiện khoản này thôi.
Trong IELTS Reading cũng có nhiều dạng bài và các bạn cũng nên luyện tập để biết đâu là dạng tủ của mình để vô thi làm trước, dạng khó làm sau. Cách này giúp bạn có sự bắt đầu tự tin và làm quen đề dễ hơn.
Vì đề IELTS Reading không cho thời gian sang đáp án nên các bạn nên sang đáp án sau khi làm được 1 hay 2 section đầu. Đừng để lúc hết giờ quýnh quáng không sang kịp hay sang bậy là toi đời cái bài Reading đó nhá! Các bạn có thể sang thẳng đáp án nhưng sẽ mất thời gian sửa nếu các bạn muốn thay đổi đáp án.
Các bạn cũng nên lưu ý một điều là keyword thường được paraphrase nhưng cấu trúc ngữ pháp thường được giữ nguyên. Nếu bạn vững ngữ pháp, bạn hoàn toàn có thể loại trừ những đáp án bẫy và lọc được những đáp án đúng. Phần bài điền từ và tìm từ là 2 phần phổ biến có thể áp dụng cách này.
2c. Writing Task 1
Trong cuốn Write Right, các bạn nên tập trung nhiều vào phần Task 1. Phần này cuốn này hướng dẫn khá chi tiết, từng mẫu câu để điểm cao, các từ vựng thay thế. Bên cạnh đó, các bạn nên lên trang www.ieltsbuddy.com mục Writing Task 1 để down các bài mẫu về. Trang này hướng dẫn khá chi tiết và có cả minh họa cho từng loại Graph Chart và cả Map, Process. Về dạng bài Task 1 sẽ có 2 dạng chính là tăng giảm và so sánh. Mỗi dạng các bạn nên đọc bài mẫu và chọn riêng 1 một mẫu câu để làm tủ cho mình.
Trước hết các bạn nên lưu ý giấy làm bài có 10 dòng của mặt đầu và mặt sau các bạn viêt tầm 7 dòng là đủ. Để cho đẹp và tránh sa đà, các bạn nên chia đoạn thành 2-2-6-6 hay 2-2-5-5-5 (tính trung bình 10 word 1 dòng nhé, chữ to nhỏ các bạn tự điều chỉnh). Bằng cách này các bạn có thể tự tin mình viết đủ số từ cần thiết vì thiếu từ là bị từ thảm hại luôn! Bên cạnh đó, bố cục của bài nhìn sẽ bắt mắt hơn nữa.
Để có 1 Introduction tốt các bạn phải tập viết đúng loại được cho (trend or comparision or mixed), paraphrase đủ hết ý của đề với từ vựng or cấu trúc riêng của mình (noun thành verb or adj, thời gian, địa điểm, …)
Kế đến, các bạn viết ngay 1 Overall. Đây là phần vô cùng quan trọng vì theo 1 cuốn sách (không nhớ tên), nếu thiếu Overall thì các bạn bị trừ điểm khá nặng. Để tránh thiếu thời gian, các bạn nên viết ngay Overall sau Introduction. Thông thường chỉ 1 câu ngắn gọn thôi nhé.
Sau nữa là phần Body. Các bạn nên dành 1-2 phút để phân tích thẳng lên trên số liệu được cho để tiện theo dõi. Bằng cách này, các bạn sẽ có đủ ý để viết. Viết ý chính trước, những cái mà có sự thay đổi rõ rệt, nổi trội rồi nếu thiếu từ mới viết thêm mấy cái râu ria cho đủ từ.
Đối với các bạn tự học, bạn nên đọc hết những tài liệu mình nêu, làm ngay những bài trong các cuốn Cam cho từng dạng mà bạn luyện tập. Việc tự chấm bài có thể để hôm sau để các bạn thấy được lỗi của mình dễ hơn. Các bạn đếm xem có bao nhiêu từ bị lặp thì khoanh tròn, bao nhiêu cấu trúc bị lặp thì gạch dưới, rồi từ đó có thể thay được bằng từ hay cấu trúc gì. Nếu tự mình không thay được, các bạn lật các bài mẫu ra là tìm những thứ thay được và ghi vào bằng viết đỏ. Với cách này, các bạn rút kinh nghiệm được khá nhanh. Ban đầu mình sợ Task 1 hơn Task 2 nhưng sau 4 ngày luyện mình thấy Task 1 dễ cải thiện hơn Task 2 (nếu không tính Map và Process nhé).
Học viên Việt Nam đạt 7.5 sau thời gian luyện IELTS tại trường Anh ngữ CIA, Cebu (Philippines)
2d. Task 2
Cũng vậy, các bạn làm trên giấy làm bài thi với tỉ lệ paragraph là 3-10-10-3 (với 10 words/line) hoặc 3-7-7-7-3 nếu có nhiều ý cần phân tích. Các bạn cần đọc rõ và gạch keyword của đề để tránh lạc đề. Nếu đề kêu viết về teenagers crime mà bạn viết general crime là tạch đó nhá!
Để chuẩn bị cho Task 2 thì mình khuyên các bạn nên quất sạch hết cuốn Writing for IELTS của Collins. Mình thấy cuốn này hướng dẫn khá là chi tiết và bài bản nên không nói thêm nhiều nữa. Các chủ đề bám khá sát với đề thi, từ vựng không quá khó và hầu hết nằm trong collocation hay idea nên các bạn dễ tách ra học và áp dụng được. Mình mới đọc được 6 unit đầu thui mà thấy ngộ ra nhiều điều.
Việc practice cũng không thể thiếu. Cách bạn luyện tập và tự chấm theo cách của Task 1 nhé. Cách viết của Collins sẽ bao quát cả thứ gọi là Simon style và Mat Clark style nên các bạn có thể tự chọn kiểu phù hợp cho mình.
2e. Speaking
Mình không có ôn Speaking, chỉ có ngồi lải nhải như bị tự kỉ thôi! Thích chủ đề gì nói chủ đề nấy. Cấu trúc là Idea, Explain và Example thôi. Phần này mình không luyện nên không cho tip được.
3. Kinh nghiệm rút ra từ kì thi vừa qua
Bên cạnh các tip mình viết trong note trước, các bạn chú ý là hình chụp lúc check in là hình chụp trên bảng điểm luôn, nên các bạn chịu khó tươi tắn lên nhá. Cố gắng tươi mà cái hình như đưa đám vậy!
3a. Listening
Phần Listening này mình thấy độ khó ngang với mấy cuốn Cam 8, 9. Trong phòng thi các bạn được nghe headphone bluetooth chất lượng tốt nên có thể cảm thấy dễ nghe hơn lúc làm ở nhà nữa. Tuy nhiên các bạn nên bỏ thói quen vò đầu bứt tóc, vì chỉ cần che cái chỗ thu sóng trên headphone là nó rè liền. Hông biết có phải mình lỡ tay thò lên đụng trúng chỗ đó không mà nó rè mất mấy giây đâm ra hoảng loạn tinh thần!
Trong phần này mình nhớ nhất câu 3 với đáp án là silvery. Nghe là silvering, mà thấy làm gì có từ này, thế là nghĩ thành shivering, không để ý tới dạng tính từ -y của nó thế là toi đời 1 câu. Lưu ý, chỉ 1 câu thôi cũng giúp các bạn tăng thêm 0.5 nên các bạn nhớ suy nghĩ cẩn thận nhá. Có 10 phút để viết đáp án. Các bạn cần viết đáp án thật kỹ, nắn nót. Chỗ nào còn chưa chắc thì ráng suy luận cho logic tí. Đừng để sai uổng. Hôm đó còn 5 phút cuối không biết làm gì ngồi rèn chữ nữa mà, kết cục là tang thương vậy đó!
Section 4 mình còn nhớ là điền khuyết về siêu thị. Bài này mình thấy từ vựng khá dễ, các bạn có thể đoán đáp án trong lúc đọc và tìm keyword luôn. Cả bài Listening mình đoán trúng 3-4 đáp án, chỉ việc check thôi. Các bạn cũng có thể đoán trước loại từ để bắt đáp án cho dễ.
3b. Reading
Bài Reading theo mình cảm nhận là khó hơn đề Cam 1 chút. Theo lời đồn, các đoạn sẽ không sắp xếp theo trật tự dễ đến khó. Tuy nhiên mình vẫn làm đại đoạn 1 trước, cũng dễ, mất tầm 13 phút thôi. Sau đó nhảy qua đoạn 3 vì thấy nó ít từ nhưng cha mẹ ơi, tìm từ muốn lòi mắt luôn! Kinh nghiệm xương máu sau vụ này là không nên đo gang để xét độ khó dễ nhé.
Vì mình làm bài sát thời gian nên sau đoạn 1 mình sang đáp án ngay, xong đoạn 3 sang đáp án liền, còn đoạn 2 thì được câu nào sang ngay câu đó. Cũng hên là vừa đủ thời gian. Có 1 câu mà mình còn ức chế là: Câu hỏi máy ABC dự báo được …, trong khi bài đọc là ông XYZ dùng máy ABC để quan sát … Đại loại là vậy, thế là chả biết quýnh No hay Not Given nữa, quất luôn NG. Cũng như vậy, chỉ 1 câu thôi cũng có thể làm tăng 0.5, các bạn cố gắng đưa ra quyết định chính xác nhá.
3c. Writing
Bài viết này có 1 sự hên nhẹ là không ra Task 2 về Technology, nhưng bù lại 1 sự xui bự là ra 2 cái plan (giống map) to chình ình cho phân tích. Thế là biết số phận về đâu rồi đó.
Task 2
Chủ đề về Nuclear power nên cũng không khó để chém. Các bạn có thể tận dụng từ vựng của Energy tùy theo khả năng xào nấu và lắt léo của mình mà đưa từ vựng vào cho phù hợp. Một số từ như “put at risk/on the verge of extinction” cũng có thể đưa vào để tăng thêm academic words.
Task 2 mình viết theo bố cục 4-8-11-4 vì mình nêu lợi ít và hại nhiều để bảo vệ quan điểm disagree. Tuy nhiên mình không hoàn thành tốt đoạn 2 vì mình có nêu ý khuyên dùng năng lượng thay thế. Đây là tác hại của việc focus quá nhiều vào bố cục 3-10-10-3 mà mình vẫn hay làm. Nếu tách đoạn thì việc phân tích sẽ tốt hơn.
Có nhiều lời khuyên cho rằng Simon style sẽ không được điểm cao. Điều này mình cảm nhận là absolutely wrong luôn. Mình viết theo Simon style, bình dân học vụ thôi. Nhưng mình dám chắc Task 2 của mình không nhỏ hơn 7.5 vì Task 1 làm Map không phải sở trường của mình nên không thể cao điểm được. Hơn nữa, các bạn có thể coi hầu hết các bài mẫu 8.0+ đằng sau các cuốn Cam đều dùng style bình dân này. Có hơn người chỉ ở 1 vài câu dùng cấu trúc phức hay sự đa dạng đáng nể phục của collocation thôi. Chính vì vậy các bạn không cần phải băn khoăn nhiều về academic word mà nên tập trung vào collocation nhiều thì hơn.
Các bạn của mình đi thi với Mat Clark style hào nhoáng thường được 6.5 với sự may mắn viết về Line/Bar Graphs hay Table. Vì vậy mình nghĩ các bạn nên tập trung những gì mình viết có hợp lý hay không thay vì quá chú trọng vào style mẫu.
Task 1
Dù không phải thứ các bạn thích nhưng các bạn cũng phải làm. Mình do hơi hồi hộp nên chỉ phân tích sơ 2 cái map rồi viết cho kịp. Tuy nhiên có thể do phân tích không tốt mà viết mấy cái không quan trong lắm, giống liệt kê vậy. Còn mấy điểm chính cũng không biết nói sao. Nói chung kì này coi như số em xui vậy!
3d. Speaking
Vì mình không luyện nói nên mình quyết định bỏ hết những gì của Mat Clark, những thứ mình cố nhồi nhét mà chả nhớ được gì. Thay vào đó, mình tập trung vào sự lưu loát và tự nhiên, thứ vốn có vẫn tốt hơn là những điều không tự nhiên mà.
Trước ngày thi mình cũng coi lại những Test mẫu của BC. Đây là 1 mẫu của BC cho xem hôm tập huấn http://www.youtube.com/watch?v=_2oawkQIgrw . Các bạn có thể thấy rằng rất đơn giản và tự nhiên. Không có các cụm hay phrase nặng nề của Mat Clark nào nhé. Toàn là những từ khá đơn giản, kèm theo 1 số collocation và từ chuyên môn thôi.
Đây là trang để các bạn có thể tham khảo những bài mẫu nè http://www.youtube.com/user/Rodmonga/videos Tất cả đều tự nhiên và không có 1 chút Mat Clark nào nhé!
Hôm Speaking mình cố gắng make friends với các bạn lúc ngồi chờ. Đây là cách để các bạn tự trấn tĩnh mình. Các bạn nên cười nhiều, sẽ đỡ run hơn. Lần thi thử mình run bần bật và hoàn toàn hoảng loạn sau Part 2. Vì vậy, tự tin có thể lấy đi của bạn đến 1 hay 2 điểm đấy nhé. Cứ tự tin tập trung vào sự lưu loát và nội dung của câu nói. Việc bạn để đầu óc quá nhiều vào các cụm hay từ học thuộc lòng sẽ làm bạn mất tự nhiên và dễ bị lắp bắp. Các bạn đừng quên rằng có mục memorize trong phần chấm thi nhé. Giám khảo thế nào cũng là người luyện thi nên họ nắm rất rõ các nguồn. Việc học thuộc dễ khiến bạn bị mất điểm thôi.
Phần Speaking mình nói khá nhanh nên không ngờ nó kết thúc nhanh đến vậy. Các bạn nên luôn tươi cười dù trong hoàn cảnh nào (trừ trường hợp đang nói về cái gì buồn bực nhé). Các bạn cũng không nên chú ý đến biểu hiện của giám khảo làm gì. Hôm mình nói giám khảo nhíu mày hay loay hoay khá nhiều làm mình lo là tạch mất rồi. Không ngờ vẫn được 6.5. Vì vậy, cứ tươi cười để bình tĩnh, tỏ ra thân thiện và lịch sự và nói theo suy nghĩ của mình. Hôm mình nói khá lưu loát nên bỏ quên hết các yếu tố về academics word, idiom hay grammar (grammar vẫn đúng 60-70% đấy nhé) nên các bạn cũng không cần lo quá đến những thứ xa xỉ, xa vời làm gì.
4. Conclusion
Tóm lại, các bạn nên học trước rồi luyện sau.
Cho việc học Tài liệu thì mình recommend bộ Cam 1-4 cho người mới bắt đầu, 5-7 cho những ai đã có nền tảng.
Bộ Collins mình chỉ mới đọc qua 6 units của cuốn Writing, nhưng nhìn sơ qua cuốn Speaking cũng thấy hay hay. Các bạn nên ôm nguyên bộ về học cũng tốt.
Các bạn tùy theo khả năng và sở thích của mình mà học. Cứ tập trung vào 1, 2 giáo trình là được rồi, lắm thầy nhiều ma mà!
Listening cho beginner thì mình không biết. Còn ai có nền rồi thì cứ như phần trên mà tập thôi.
Speaking các bạn nên tham gia club Speaking. Trên facebook có 1 page Talking with Tourists mà mình thấy hoạt động khá thường xuyên. Dù chưa đi lần nào nhưng mình thấy nhóm có vẻ hoạt động khá hiệu quả, các bạn nên check thử.
Lúc học Speaking theo phương pháp tự kỉ các bạn có thể ghi âm lại giọng của mình để thấy nó thảm họa thế nào, từ đó nghe rõ từng chỗ là sửa lại cho đúng.
Cho việc luyện
Thời gian luyện chỉ là thời gian các bạn chỉnh sửa những thiếu sót của mình thôi, không nên nhồi nhét nhiều làm gì. Giai đoạn này chỉ là giai đoạn các bạn làm quen với áp lực thời gian và chuyên vào phân tích lỗi sai của mình. Nên sắp xếp thời gian 3 tiếng cho 1 test full (không có phần nói nhé) để quen sức dần. Nên làm vào tầm 9-12h vì cùng tầm thi cử. Tối đó hoặc sáng hôm sau các bạn ngồi lại phân tích lỗi sai của mình để cải thiện điểm. Môn Speaking thì cứ record rồi check thôi. Rảnh thì ngồi nghêu ngao tự kỉ, nói một mình và phông lông cũng tốt.
Tài liệu của giai đoạn luyện là Cam 8, 9, 2 official test mẫu của Cam và Achieve IELTS tổng cộng là 14 đề. Các bạn nên dành 2 tuần để làm full 14 đề này nhé.
Thế thôi, mình nghĩ các bạn chỉ cần tập trung là cố gắng là được. Chúc các bạn thành công với mục tiêu của mình nhé.
Tác giả: Tài Nguyễn
Xem thêm bài viết Các trường đào tạo IELTS tốt nhất Philippines
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét